Ngày 10 tháng 10 năm 1954, cùng với việc tiếp quản Thành phố Hà Nội, chúng ta đã tổ chức tốt việc tiếp quản sân bay Gia Lâm. Nhằm chuẩn bị cho công việc này, ngay từ cuối tháng 7 năm 1954, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã nhận được chỉ thị nhanh chóng khôi phục và củng cố cơ sở Đảng, chính quyền ở huyện Gia Lâm, nhất là 6 xã quanh sân bay. Sân bay Gia Lâm tuy còn bị quân Pháp chiếm đóng nhưng đã được bao vây chặt.

Yểm trợ việc tiếp quản sân bay Gia Lâm có các cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn chủ lực Tỉnh đội Bắc Ninh, tiểu đoàn 84 Trung đoàn 36, Đại đoàn quân Tiên Phong và tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly.

Sân bay Gia lâm ngày đầu tiếp quản tháng 10-1954

10 giờ sáng ngày 10 tháng 10 năm 1954, theo kế hoạch đã định, bộ đội ta tiến vào sân bay Gia Lâm tiếp quản các vị trí quan trọng. Trên đài chỉ huy sân bay, lá cờ Pháp được kéo xuống, thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai các trạm gác ra vào sân bay, đường hạ, cất cánh, nhà phát báo vô tuyến điện. Đầu “loa” đường băng phía Bắc sân bay, có một đại đội pháo cao xạ 37 ly trấn giữ. Việc tiếp quản chia làm hai bước. Bước một, bộ đội ta tiến vào tiếp quản làm chủ sân bay. Bước hai, ta quản lý sân bay về mặt chuyên môn kỹ thuật, chỉ huy máy bay hạ, cất cánh. Trong khoảng thời gian giữa hai bước đó, một số sĩ quan, nhân viên của Không quân Pháp được tạm thời ở lại làm công việc kỹ thuật chuyên môn phục vụ cho máy bay của Ủy ban Quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ (dưới đây xin gọi tắt là Ủy ban Quốc tế) đi lại.

Bộ phận làm nhiệm vụ tiếp quản cơ sở vật chất, kỹ thuật Hàng không của Pháp ở sân bay Gia Lâm, chuẩn bị quản lý, khôi phục duy trì hoạt động bình thường của sân bay sau khi quân Pháp rút hết đã nhanh chóng được thành lập. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp tổ chức tuyển lựa và điều động cán bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Tiên, nguyên là Cục phó Cục 2, Bộ Tổng tham mưu, được giao nhiệm vụ tổ chức việc đóng giữ sân bay, bảo vệ, khai thác và đưa vào hoạt động các cơ sở vật chất kỹ thuật hàng không ở đây. Các đồng chí Hà Đổng, Đoàn Mạnh Nghi, Hà Cân, Nguyễn Đức Việt... những cán bộ của Ban nghiên cứu Không quân ở chiến khu Việt Bắc năm nào cũng đã được điều động về tiếp quản sân bay Gia Lâm.

Đài vô tuyến điện phục vụ điều hành bay trên sân bay Gia Lâm những ngày đầu tiếp quản

Tiếp sau đó, một số cán bộ có trình độ văn hóa, biết tiếng Pháp, có chuyên môn về thông tin, khí tượng, công binh, xăng dầu... cũng được điều động về. Hai mươi cán bộ ở các công binh xưởng miền Nam, 11 cán bộ kỹ thuật máy móc các loại ở các đơn vị quân giới trong toàn quân được điều về sân bay để thành lập một đội thợ máy, do đồng chí Lê Minh làm đội trưởng.

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, Quân đội Pháp phải bàn giao lại cho ta mọi phương tiện máy móc thuộc ngành Hàng không dân dụng để đảm bảo hoạt động bình thường cho sân bay Gia Lâm. Nhưng với dã tâm làm tê liệt sân bay, bọn chúng đã thực hiện nhiều thủ đoạn xảo trá, tăng cường phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật, tháo dỡ những bộ phận máy móc có thể mang đi được, phá hủy những máy móc chuyên dụng nhằm biến sân bay Gia Lâm thành một sân bay chết. Nhưng mọi âm mưu của chúng đã hoàn toàn bị thất bại. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ tiếp quản sân bay đã kiên quyết và khôn khéo đấu tranh bảo vệ tài sản. Đồng thời, qua những việc làm cụ thể trong quá trình điều hành, chỉ huy máy bay hạ, cất cánh của các nhân viên Pháp, ta còn tranh thủ học để sử dụng các trang thiết bị, máy móc và điều hành hoạt động của sân bay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nghe Ban Nghiên cứu sân bay báo cáo việc khôi phục hệ thống các sân bay trên miền Bắc sau giải phóng

Hiểu rõ nhiệm vụ lúc này không còn là đấu tranh chống địch phá hoại sân bay và máy bay như trước nữa, mà là mưu trí, dũng cảm đấu tranh chống lại âm mưu và hoạt động phá hủy, tẩu tán tài liệu, máy móc của chúng. Nhưng dù đã hết sức cố gắng, những chủ nhân mới của sân bay Gia Lâm vẫn chỉ tiếp quản được một gia tài quá ít ỏi, vẻn vẹn một máy vô tuyến điện sóng cực ngắn đã lạc hậu, một khẩu súng bắn pháo hiệu hoen rỉ, một ống nhòm cổ không có bộ phận điều khiển xa gần và một số máy móc cũ kỹ, lạc hậu khác. Hệ thống sân đường, nhà kho... cũng bị hư hỏng nặng.

Ngày 31 tháng 12 năm 1954 là thời hạn cuối cùng quân Pháp phải rút khỏi sân bay Gia Lâm. Việc điều hành hoạt động ở sân bay Gia Lâm do ta thực hiện hoàn toàn. Lúc này ta chưa có máy bay phục vụ Ủy ban Quốc tế nên phải thỏa thuận với Pháp để lại một số máy bay và tổ lái của Pháp tiếp tục phục vụ Ủy ban Quốc tế đi lại trên miền Bắc một thời gian. Do đó, ngoài việc đấu tranh giữ máy móc, chúng ta còn phải đấu tranh chống lại việc Pháp lợi dụng phục vụ Ủy ban Quốc tế để bay không đúng hành lang quy định.

Cuộc đấu tranh này đã thắng lợi, vạch trần được âm mưu của Pháp, buộc họ phải chấp nhận. Bên cạnh ta còn khéo léo học cách sử dụng máy móc và công việc điều hành bay qua quan sát thao tác của các nhân viên Hàng không Pháp để ngay lập tức có những kiến thức tối thiểu về hàng không. Đơn vị tiếp quản sân bay đã tổ chức một lớp học ngắn ngày về chỉ huy bay cho cán bộ phụ trách và tám đồng chí ở các đơn vị bộ binh mới về. Giáo viên là đồng chí Nguyễn Đức Việt, cán bộ của Ban nghiên cứu Không quân trên chiến khu xưa. Do yêu cầu nhiệm vụ, quân số của đơn vị sân bay Gia Lâm tăng lên tới 200 người và đã hình thành các bộ phận: điều phái, khí tượng, thông tin, sân đường, chính trị, hậu cần.

Cán bộ chỉ huy Ban Nghiên cứu sân bay họp bàn kế hoạch phục vụ Ủy ban Quốc tế giám sát thực hiện hiệp định Giơ ne vơ tại Việt Nam năm 1954

Đêm 31 tháng 12 năm 1954, cán bộ, chiến sĩ đoàn tiếp quản sân bay nằm sát vị trí, chờ đến giờ phút lịch sử chính thức tiếp nhận sự chuyển giao sân bay từ tay Pháp.

Vào lúc 23 giờ 45 phút, nghi lễ bàn giao thực hiện xong. Ngay sau đó, chiếc DC-3 cất cánh, đưa những tên thực dân Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Nội. Năm phút sau, cán bộ và chiến sĩ sân bay đã tập hợp chỉnh tề trước cửa nhà ga. Sau đó, theo nhiệm vụ và cương vị đã phân công, mọi người tỏa ra nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí công tác.

Đúng 12 giờ đêm, từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã được phát lên không trung, báo cho toàn thế giới biết: “Kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1955, theo giờ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào, ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra, phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội”. Tiếp đó, đài chỉ chuẩn của sân bay thông báo bộ chữ tín hiệu mới HN (Hà Nội), thay bộ chữ F2Y, tín hiệu do Pháp đặt cho đài chỉ chuẩn sân bay Gia Lâm cũ.

Hành khách đi máy bay trên sân bay Gia Lâm

Trưa ngày 2 tháng 1 năm 1955, rất vững vàng và tự tin, những chủ nhân mới của sân bay Gia Lâm, mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Đức Việt chỉ huy cho một chiếc máy bay kiểu B-307 của hãng Hàng không Pháp chở một số nhân viên của Ủy ban Quốc tế bay từ Sài Gòn ra hạ cánh an toàn trước sự ngạc nhiên và khâm phục của phi hành đoàn người Pháp và của hành khách trên máy bay. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Hàng không Việt Nam nói chung, và của ngành Quản lý bay Việt Nam nói riêng.

Việc tiếp quản thắng lợi sân bay Gia lâm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên, nước Việt Nam độc lập đã làm chủ một căn cứ Không quân và Hàng không dân dụng lớn nhất của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Từ đây, sân bay Gia Lâm chẳng những đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước, xứng đáng là sân bay của Thủ đô một nước độc lập mà còn là nơi đào tạo cán bộ Không quân – Hàng không dân dụng trong thực tế, giúp các cấp lãnh đạo và cán bộ chỉ huy đúc rút kinh nghiệm về hoạt động Hàng không, từ kinh nghiệm và lực lượng ở sân bay Gia Lâm phát triển ra nhiều sân bay khác ở miền Bắc Việt Nam.

Nguồn: Sách 60 năm Hàng không dân dụng Việt Nam