I.GIỚI THIỆU CHUNG:

Vị trí địa lý:

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên có diện tích 9.764km2 và nằm ở độ cao 800-1.500m so với mực nước biển, chiếm khoảng 2,9% diện tích cả nước, phía đông giáp các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận, tây nam giáp tỉnh Đồng Nai, nam-đông nam giáp tỉnh Bình Thuận, bắc giáp tỉnh Đắc Lắc. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 18-25oC, thời tiết ôn hòa mát mẻ quanh năm.

Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính, kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Hồ Chí Minh 300 km, Biên hòa 270 km, Vũng Tàu 340 km, Nha Trang 210 km, Hà Nội 1.500km. Thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng có tiềm năng du lịch lớn và được phát triển lâu đời. Một số cảnh quan du lịch tự nhiên đặc sắc: Hồ Xuân Hương, Đan Kia – Suối Vàng, Tuyền Lâm, Than Thở, Thung lũng Tình yêu, Đa Nhim; thác Cam Ly, Đatanla, Prenn, Liên Khương, Gougah, Pongour, Đambri, Bobla, núi Lang Bian… Hiện nay du khách đi và đến Đà Lạt nhiều người chọn phương tiện bằng đường hàng không qua Cảng Hàng không Liên Khương.

Cảng hàng không Liên Khương với diện tích 337,1ha nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng – tỉnh Lâm Đồng, đây là khu vực có mật độ dân số cao và giao thương kinh tế trọng điểm của Tỉnh Lâm Đồng. Cảng hàng không Liên Khương cách trung tâm thành phố Đà Lạt 30 km về phía Nam theo quốc lộ 20; cách thành phố Bảo Lộc 90km và cách thành phố Hồ Chí Minh 270km theo quốc lộ 20; cách thành phố Buôn Ma Thuộc 160km và cách thành phố Nha Trang 200km theo quốc lộ 27.

Đường cao tốc nối từ ngã ba Liên Khương đến thành phố Đà Lạt dài 27km.

Tọa độ điểm quy chiếu sân bay: 11o45’12.175’’N – 108o22’04.874’’E (hệ tọa độ WGS-84).

Mức cao điểm quy chiếu: 953,96m so với mực nước biển.

IMG_8147

Các bước phát triển:

Năm 1933 Pháp xây dựng sân bay lấy tên gọi là Liên Khàng, với đường băng bằng đất dài 700m và chủ yếu là phục vụ cho mục đích quân sự khu vực.

Năm 1956 Mỹ cho tu sửa cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ga mới để phục vụ cho hoạt động quân sự và dân sự, đồng thời đổi tên thành sân bay Liên Khương.

Năm 1964 Mỹ nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay với đường cất hạ cánh bằng nhựa dài 1.480m, rộng 37m, sân đậu máy bay với diện tích 23.100m2 có sức chứa 5 máy bay.

Năm 1975 Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và sử dụng sân bay cho mục đích quân sự, an ninh quốc phòng và kinh tế quốc dân. Đường bay chủ yếu là TP Hồ Chí Minh – Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh với các loại máy bay chủ yếu là DC3-DC4-DC6-AN24-AN26.

Năm 1997, sân bay Liên Khương được Cụm cảng hàng không Miền Nam nâng cấp kéo dài đường băng từ 1.480m lên 2.354m để đáp ứng các loại máy bay A,B cất hạ cánh và đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C (theo tiêu chuẩn của ICAO). Sân bay Liên Khương được đổi tên thành Cảng hàng không Liên Khương.

Năm 2002 Cụm cảng hàng không Miền Nam (Nay là Tổng công ty Cảng HK miền Nam) tiếp tục nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không hiện đại với tiêu chuẩn sân bay cấp 4D có thể tiếp thu các loại máy bay lớn như AIRBUS A320/A321, BOEING 737/ 767 và các loại máy bay tầm trung tương đương cất hạ cánh.

Cuối tháng 12 năm 2009, nhà ga mới Cảng hàng không Liên Khương chính thức được đưa vào khai thác – trở thành một Cảng hàng không quốc tế đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4D.

CƠ SỞ HẠ TẦNG:

Nhà ga hành khách:

Lấy ý tưởng từ đóa hoa dã quỳ – loài hoa có sắc vàng kiêu hãnh và sức sống mãnh liệt, cũng là loài hoa đặc trưng của vùng núi cao nguyên Đà Lạt, công trình kiến trúc nhà ga Cảng HK Liên Khương mang một nét riêng của vùng cao nguyên Di Linh, tạo cảm giác hiện đại nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Tấm mái lợp sử dụng màu vàng thật của cánh hoa dã quỳ nên hành khách từ trên máy bay có thể nhìn thấy nhà ga như một đóa hoa quỳ nở vàng rực rỡ. Bao bọc xung quanh sân bay là những rừng hoa dã quỳ trải dài.

Nhà ga hành khách mới Cảng hàng không Liên Khương có diện tích 12.400 m2, gồm hai tầng bao gồm ga quốc tế và quốc nội. Công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, có thể đảm bảo phục vụ hơn 800 hành khách/giờ cao điểm. Tổng đầu tư dự án hơn 260 tỷ đồng.

Tầng trệt bao gồm: Sảnh đến phía trước, khu phục vụ hành khách đến, khu xử lý hành lý nội địa và quốc tế, phòng chờ lấy hành lý, các phòng chức năng, các phòng kỹ thuật, khu giải khát, dịch vụ, vệ sinh, vườn cảnh ở vị trí thông tầng, hành lang phía sau.

Tầng 2 bao gồm: Sảnh đi phía trước gắn liền với cầu cạn, khu vực làm thủ tục Check- in, phòng chờ ra máy bay, phòng VIP-C, hành lang, các phòng chức năng, phòng làm việc, phòng kỹ thuật, phòng hút thuốc, khu vực giải khát dịch vụ, khu vệ sinh.

IMG_8533

sở hạ tầng Cảng hàng không Liên Khương:

Cảng hàng không Liên Khương là Cảng hàng không dân dụng cấp 4D được thiết kế cho phép tiếp thu các loại tàu bay tầm trung như: A320, A321, B737 và tương đương trở xuống. Cấp cứu hỏa sân bay là cấp 6.

a1, Hệ thống đường CHC, đường lăn, sân đỗ tàu bay:

+ Đường CHC: mã hiệu: 09/27; dài 3250m, rộng 45 m;

+ Đường lăn: Gồm có đường lăn E1, đường lăn E2, đường lăn song song;

+ Sân đỗ: Gồm 02 sân đỗ số 1 và số 2 với tổng số 08 vị trí đỗ. Trong đó: 02 vị trí đỗ cho loại tàu bay ATR 72, F70 trở xuống và 06 vị trí đỗ cho loại tàu bay A320, A321, B737 và tương đương trở xuống.

a2, Hệ thống thiết bị phù trợ dẫn đường:

+ Hệ thống đèn tiếp cận, đèn đường bằng, đèn đường lăn, đèn sân đỗ: Tiếp cận đầu 27 là tiếp cận giản đơn, tiếp cận đầu 09 là tiếp cận CAT1, hệ thống đèn đường băng, đường lăn, sân đỗ, đèn hiệu chỉ dẫn được thiết kế xây dựng theo đúng tiêu chẩn của ICAO.

+ Hệ thống sơn, kẻ tín hiệu: được sơn kẻ theo đúng quy định.

+ Hệ thống thiết bị dẫn đường: Gồm có đài NDB 500w (K1) đài cất hạ cánh; đài NDB 4000w ( K2) đài dẫn đường khu vực, đài DVOR/DME.

a3, Trang thiết bị phục vụ mặt đất:

– Các trang thiết bị phục vụ mặt đất của Cảng HK Liên Khương hiện có gồm: Xe cấp điện máy bay: 01 xe; Máy phát điện khởi động MB: 01 máy; Xe cấp khí khởi động tàu bay: 01 xe; Xe vệ sinh tàu bay: 01 xe; Xe đầu kéo: 03 xe; Xe băng chuyền hành lý tự hành: 03 xe; Xe xúc nâng 5 tấn Komatsu: 01 xe; Xe nâng hàng 7 tấn: 01 xe; Xe nâng hàng 3.5 tấn Airmarel: 01 xe; Xe nâng hành khách tàn tật: 01 xe; Xe thang hành khách tự hành: 03 xe; Xe thang nâng tự hành 20m: 01 xe; Xe cứu hỏa: 02 xe; Xe Toyota Hiace cứu thưong: 01 xe; Xe Samco 46 chỗ: 02 xe; Xe ô tô khách Hyundai County 29 chỗ: 01 xe; Xe tải nhẹ Mitsubishi Canter 2 tấn: 01 xe; Xe ôtô bán tải Mitsubishi triton: 01 xe; Dolly 10feet: 15 xe; Xe baggage 2 tấn: 02 xe, Xe Fortuner 7 chỗ : 01 xe.

a4, Nhà ga hành khách:

– Mặt bằng bố trí các khu vực trong nhà ga:

+ Khu vực làm thủ tục cần thiết theo quy trình phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa: 10.751m2.

+ Khu vực dành cho hành khách không đủ điều kiện nhập cảnh: 60m2.

+ Khu vực làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước: 366m2.

+ Khu vực hành lý thất lạc: 164m2.

+ Quầy hướng dẫn thông tin chung cho hành khách: 40m2.

+ Khu vực trợ giúp y tế, sơ cứu ban đầu: 40m2.

+ Khu vực quảng cáo, cung cấp dịch vụ phi hàng không: 993m2.

– Hệ thống thiết bị làm thủ tục hàng không:

Quầy thủ tục hàng không và thiết bị cân điện tử kèm theo:

+ Quốc tế: 09 quầy

+ Quốc nội: 09 quầy

– Hệ thống thang máy, thang cuốn, thang nâng hàng: gồm 02 thang máy: 01 cho ga quốc tế, 01 cho ga quốc nội; 02 thang cuốn, trong đó ga quốc tế 01 thang cuốn, ga quốc nội 01 thang cuốn.

– Hệ thống băng chuyền hành lý:

+ Băng chuyền trả hành lý quốc tế: 01 băng chuyền

+ Băng chuyền trả hành lý quốc nội: 01 băng chuyền

+ Băng chuyền hành lý ký gửi quốc tế: 01 băng chuyền

+ Băng chuyền hành lý ký gửi quốc nội: 01 băng chuyền

– Hệ thống thiết bị kiểm tra an ninh hàng không:

+ Hệ thống máy soi chiếu: gồm 05 máy soi; trong đó: 02 máy soi chiếu hành lý xách tay quốc nội và quốc tế; 02 máy soi chiếu hành lý ký gửi quốc nội và quốc tế; 01 máy soi hàng hóa.

+ Cổng từ: 03 cổng từ; Trong đó: 02 quốc nội, 01quốc tế.

+ Máy dò kim loại cầm tay: 06 máy.

+ Hệ thống Camera giám sát: 02 hệ thống với 37 đầu Camera.

– Hệ thống thiết bị làm thủ tục xuất nhập cảnh: 08 quầy làm thủ tục xuất, nhập cảnh.

– Hệ thống thiết bị làm thủ tục Hải quan: 02 quầy làm thủ tục hải quan đi và đến.

– Hệ thống thông tin: Hệ thống thông tin liên lạc tại nhà ga Cảng hàng không Liên Khương đang sử dụng gồm Hệ thống điện thoại cố định, tổng đài nội bộ; hệ thống thông tin liên lạc VHF ( bộ đàm), điện thoại di động, hệ thống mạng internet cáp quang, Wifi; các màn hình ti vi nối cáp phục vụ hành khách.

– Hệ thống thông báo: Hệ thống thông báo tại nhà ga gồm hệ thống màn hình thông báo chuyến bay đi và đến, hệ thống loa phát thanh nhà ga.

– Hệ thống biển báo: Nhà ga Cảng hàng không Liên Khương được lắp đặt các loại biển báo gồm: biển chỉ dẫn, hướng dẫn; biển cấm, biển thông báo, sơ đồ hướng dẫn được đặt tại các vị trí phù hợp trong nhà ga.

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC KHAI THÁC:

– Hiện tại có 02 hãng hàng không đang khai thác thường lệ hàng ngày tại Cảng hàng không Liên Khương là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trong đó, Vietnam Airlines có các đường bay SGN-DLI-SGN, DAD-DLI-DAD, HAN-DLI-HAN. Vietjet Air có các đường bay SGN-DLI-SGN, VII-DLI-VII, HAN-DLI-HAN. Tổng số lần chuyến bay HCC mỗi ngày tại CHK Liên Khương là 16 lần/chuyến. Ngày lễ hoặc mùa cao điểm, các hãng hàng không sẽ có kế hoạch tăng chuyến lên đế 24 lần/chuyến bay mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

– Bình quân mỗi ngày sản lượng hành khách thông qua nhà ga 2.000 lượt, sản lượng hàng hóa hành lý bưu kiện khoảng 16 tấn. Cảng hàng không Liên Khương dự kiến sẽ phục vụ 702.000 lượt khách và 7.000 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện thông qua nhà ga trong năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây là 15 %/năm; 5 năm trở lại đây bình quân là 25%/ năm.

– Đầu năm 2015 Cảng hàng không Liên Khương đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan phục vụ hiệu quả 06 lần/chuyến bay quốc tế đến Liên Khương từ Thái Lan và Trung Quốc phục vụ khách du lịch và đánh golf.

– Hiện tại đối tác Hàn Quốc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về nhu cầu mở đường bay thẳng Hàn Quốc – Liên Khương phục vụ vận chuyển khách du lịch, khách chơi golf và vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. Mặt khác hãng hàng không Vietjet Air dự kiến sẽ mở thêm một số tuyến bay quốc nội đi Huế, Cần Thơ, Hải Phòng … và hãng hàng không Jetstar Pacific dự kiến mở đường bay Đà Lạt – Hà Nội trong dịp hè 2015.

– Hiện tại Cảng hàng không Liên Khương đủ năng lực đáp ứng tiếp thu 40 lần/chuyến bay đi và đến. Với công suất nhà ga 1,5 -2 triệu khách/năm thì mỗi ngày Cảng hàng không Liên Khương có khả năng phục vụ 4.000 lượt hành khách quốc nội và quốc tế. Với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, nhân sự được đào tạo huấn luyện đủ tiêu chuẩn; thời gian qua Cảng hàng không Liên Khương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, cơ quan hải quan, công an cửa khẩu phục vụ hiệu quả các chuyến bay quốc tế trong dịp đầu năm 2015.

– Dự kiến từ năm 2016 – 2020 xây dựng nhà ga hàng hóa diện tích 1.000 m2; xây dựng nhà điều hành sân bay 2.400m2.

– Từ năm 2020 – 2025 mở rộng nhà ga hành khách đạt công suất 2,5 triệu hành khách/năm; sân đỗ tàu bay mở rộng đạt 53.757 m2; quy hoạch xây dựng giao thông và các khu vực kỹ thuật, khu vực phụ trợ khác.

Một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Lâm Đồng:

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có diện tích 9.764km2 và nằm ở độ cao 800-1.500m so với mực nước biển, chiếm khoảng 2,9% diện tích cả nước, phía đông giáp các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận, tây nam giáp tỉnh Đồng Nai, nam-đông nam giáp tỉnh Bình Thuận, bắc giáp tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 18-24oC, thời tiết ôn hòa mát mẻ quanh năm.

 

Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính, kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Hồ Chí Minh 300 km, Biên hòa 270 km, Vũng Tàu 340 km, Nha Trang 210 km, Hà Nội 1.500km. Thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng có tiềm năng du lịch lớn và được phát triển lâu đời. Một số cảnh quan du lịch tự nhiên đặc sắc: Hồ Xuân Hương, Đan Kia – Suối Vàng, Tuyền Lâm, Than Thở, Thung lũng Tình yêu, Đa Nhim; thác Cam Ly, Đatanla, Prenn, Liên Khương, Gougah, Pongour, Đambri, Bobla, núi Lang Bian… Hiện nay du khách đi và đến Đà Lạt nhiều người chọn phương tiện bằng đường hàng không qua Cảng Hàng không Liên Khương.

 

8.1. Núi Lang Bian:

Núi Lang Bian nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về phía Bắc.
– Đặc điểm: Đây là địa điểm thích hợp cho các nhà dân tộc học, cho các du khách yêu văn hoá truyền thống đến nghiên cứu văn hoá của các dân tộc Nam Tây Nguyên.
 
– Núi Lang Bian còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết – chàng K’lang và nàng Hơ Bian. Do lời nguyền thù hằn của hai bộ tộc mà hai người đã phải chia lìa. Nàng sau khi chết đã hóa thân thành dãy núi mà người dân tộc Hơ Ho-lạch gọi là Núi Mẹ và sữa từ bộ ngực của nàng đã tuôn tràn thành những dòng suối, dòng thác tươi mát cho đời. Từ đó hai ngọn núi được đặt tên là Lang Bian.
 

 

8.2. Dankia Suối Vàng:
Hồ Suối Vàng thuộc huyện Lạc Dương, cách thành phố Đà Lạt 20km về phía bắc.
Đặc điểm: Hồ Suối Vàng là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng.
 
Rời trung tâm Đà Lạt theo hướng bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, du khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km gập ghềnh uốn lượn giữa những đồi thông chập chùng trước khi đến được hồ Suối Vàng, nơi mà 100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ, ngẩn ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang sơ để sau này đề nghị với toàn quyền P. Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng nơi đây.
Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn dòng sông Đa Dung phát nguyên từ núi Langbian. Cạnh đó là một thác nước trắng xóa cũng mang tên Ankroet – thác này đã được toàn quyền Decoux chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của Đà Lạt vào năm 1942.
 
Hồ Suối Vàng có sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, ngoài việc cung cấp nguồn nước trong lành cho thành phố Đà Lạt, còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet với công suất năm đạt 15 triệu kw/h. Nơi đây còn có nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp xây dựng với sự kiểm nghiệm thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng xác nhận nước đầu nguồn luôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết. Nó được hoàn thành vào năm 1984 với công suất 18.000m3/giây.

 

8.3. Thung lũng tình yêu:
Thung lũng Tình yêu nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 5km về phía bắc
Đặc điểm: Thung lũng tình yêu chìm sâu bên sườn đồi với những rừng thông quanh năm xanh biếc.
Thoạt đầu người Pháp gọi nơi này là Valley d’Amour; đến thời Bảo Đại làm Quốc trưởng được đổi thành thung lũng Hòa Bình. Năm 1953, khi Chủ tịch Hội đồng thị xã lúc bấy giờ là Nguyễn Vỹ đề xuất chuyển đổi tên gọi các danh từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhằm thể hiện tiếng độc lập của dân tộc thì khi đó cái tên “Thung lũng Tình yêu” được ra đời.
 
Năm 1972, nhờ đắp một con đập lớn vắt ngang thung lũng đã tạo ra một hồ nước lớn có tên là hồ Ða Thiện. Vì có hồ mà thung lũng này càng thêm thơ mộng, tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách và nhất là đối với những lứa đôi ở khắp miền đất nước. Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc cấp, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây Thung lũng Tình yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa như một bức tranh, sinh động với những cánh buồm chấp chới trên hồ.
 

 

8.4. Chùa Linh Sơn:
Chùa Linh Sơn nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 700m về hướng tây bắc.
Đặc điểm: Chùa có lối kiến trúc Á Đông giản dị với hai mái xuôi. Trên đỉnh mái có đắp đôi rồng uốn lượn theo thế “lưỡng long triều nhật”. Hai bên bậc cấp dẫn vào chánh điện cũng có cặp rồng há miệng được khắc chạm công phu tượng trưng long thần hộ trì Phật pháp.
 
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 4ha, trồng trà, cà phê, bạch đàn, thông, tùng, trắc bách diệp, mai anh đào…Chùa được xây dựng từ năm 1936 và hoàn thành vào năm 1940. Cảnh chùa trang nghiêm, cổ kính. Con đường vào chùa rợp bóng những hàng thông và cây sao cao vút. Ngay trước sân chùa là tượng Quan Thế Âm đứng trên Đài Sen, bên trái chùa có ngôi bảo tháp cao ba tầng hình bát giác, còn bên phải sân chùa có những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng thật đẹp.
Nơi đây còn có một hồ nước nổi bật giữa đám cỏ xanh với những bông súng khoe sắc màu, những chú cá vàng nhởn nhơ bơi lội trông thật vui mắt. Bên trong chùa, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chánh điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni đang tham thiền nhập định trên tòa sen. Tượng được đúc vào năm 1952, bằng đồng, nặng 1.250kg. Ngoài ra chùa còn có phòng phát hành kinh sách và hàng lưu niệm. Trụ trì chùa từ năm 1964 đến nay là Hòa thượng Thích Từ Mẫn. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hiện đặt văn phòng tại đây.
 

 

8.5. Chùa Linh Quang:
Vị trí: Chùa Linh Quang tọa lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, thuộc khu phố 4, thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Chùa có lối kiến trúc cổ, mái chồng cong, trên mái hình long, lân, quy, phụng được gắn bằng những mảnh sành đủ màu sắc.
 
Chùa do Hoà thượng Thích Nhân Thứ tạo lập vào năm 1931, sau đó được các hoà thượng trụ trì kế tiếp trùng tu, đặc biệt là vào năm 1958 và năm 1972 dưới thời Hòa thượng Thích Minh Cảnh trụ trì. Chính điện thờ đức phật Thích ca, hai bên là Bồ tát Quán Thế Âm và Hộ Pháp. Trong khuôn viên chùa có khu vườn tháp mộ. Chùa được xem là ngôi Tổ đình đầu tiên của thành phố Đà Lạt.
 
8.6. Chùa Linh Phong: ( Chùa sư nữ)
Vị trí: Chùa Linh Phong (chùa Sư nữ) nằm ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Chùa rộng 400m² và được chia làm 5 gian kiến trúc theo kiểu những đình làng ở miền Trung. Mái kép cong được trang trí bằng tứ linh (long, lân, qui, phụng) uốn lượn giữa gió núi mây ngàn.
 
Chùa được xây dựng vào năm 1944, trên một đỉnh núi nhỏ cao vút ẩn hiện giữa ngàn thông vi vu lộng gió. Khởi đầu năm 1944, chùa là một niệm Phật đường mái tôle vách ván đơn sơ, cheo leo trên chóp núi, do hòa thượng Thích Bích Nguyên chủ trì.
Năm 1948 đến 1962, Sư bà Thích Nữ Từ Hương trùng tu và xây dựng nên Linh Phong Ni Tự, một ngôi chùa trang nghiêm, tráng lệ như ngày nay… Cổng tam quan được xây dựng bằng đá xanh, tạo nên nét uy nghi cho ngôi tịnh đường theo triết lý Tam quán “Không, Giả, Trung”. Chánh điện thờ Đức Phật A Di Đà cao 1,8m. Ở hai bên, phần trước thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát bằng đồng bóng loáng, phần sau thờ Tổ và Linh. Phía sau chùa, trên đồi có một ngôi tháp nhỏ cao 3 tầng, hình lục giác sẽ là nơi an nghỉ của Sư bà khi viên tịch.
 8.7. Hồ Than Thở:
Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung – Hồ Xuân Hương.
Đặc điểm: Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.
 
Từ lâu, tên hồ Than Thở đã trở nên nổi tiếng với 2 câu thơ:
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”
Sở dĩ nổi tiếng là vì hồ nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Và cho đến nay vẫn còn câu chuyện Thảo – Tâm cùng ngôi mộ của người con gái xấu số tên Thảo lạnh lẽo ở Đồi thông 2 mộ (từ ngoài vào phía tay trái khu du lịch).
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp.
 
Xa xưa nữa, nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân – khi Mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay.
 8.8. Ga Đà Lạt:
Ga Đà Lạt nằm cách hồ Xuân Hương 500m về phía đông.
Đặc điểm: Ga Đà Lạt – tuyến đường sắt nối Đà Lạt với Tháp Chàm (Tourcham) – khánh thành năm 1938 đã được đánh giá là nhà ga đẹp nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
 
Đoạn đường sắt dài 84km với 16km đường răng cưa (Crémailère) được người Thụy Điển với nhiều kinh nghiệm về đồi núi thiết kế, đã cho phép du khách cùng con tàu leo qua những tầng dốc cao hay chui vào những đoạn đường hầm tối tăm, trong một cảm giác phiêu lưu thú vị khi thấy núi rừng hùng vĩ chầm chậm lướt qua tầm mắt…Nhưng do tình trạng chiến tranh những năm kháng chiến chống Mỹ, một vài đoạn trong tuyến đường không đảm bảo an ninh nên cả một tuyến đường sắt độc đáo đành phải bỏ hoang phế theo thời gian.
 
Năm 1991, trong nỗ lực góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch Đà Lạt, tuyến đường sắt nối Trại Mát với Đà Lạt dài 7km đã được khôi phục với chi phí cải tạo lên đến 11 tỉ đồng. Đến Trại Mát, du khách có thể vãng cảnh chùa Linh Phước gần đó và ngắm nhìn thành phố Đà Lạt từ trên cao khi cùng đoàn tàu uốn mình vòng vèo qua sườn núi, chiêm ngưỡng những cảnh sắc thiên nhiên biến hóa kì ảo trong tầm mắt, đặt biệt còn tận hưởng nguồn không khí trong lành của vùng cao nguyên.
 8.10. Hồ Xuân Hương:
Hồ Xuân Hương nằm tại trung tâm thành phố Đà Lạt. Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm Hồ Xuân Hương nổi tiếng Việt Nam thế kỷ thứ 19.
 
Đây là hồ lớn ở Ðà Lạt, rộng chừng 5km². Hồ Xuân Hương có hình mảnh trăng lưỡi liềm, là nơi thơ mộng, cuốn hút khách nhàn du và cũng là nơi hò hẹn của những đôi bạn tâm tình. Mặt hồ phẳng lặng như tấm kính pha lê, soi bóng những hàng thông reo hát suốt ngày đêm. Những con đường quanh hồ rợp bóng cây tùng, tạo thêm vẻ thơ mộng cho hồ. Du khách có thể ngồi dưới gốc tùng buông lưỡi câu, hoặc đi chơi trên mặt hồ bằng những chiếc xe đạp nước mang dáng con thiên nga, hoặc dừng chân ở nhà thủy tạ với cách kiến trúc đặc biệt để thưởng thức những ly nước ngọt đậm đà hương vị Ðà Lạt.
 
 
8.10. Dinh 1:
Dinh I nằm trên một ngọn đồi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 4km về hướng đông nam.
Đặc điểm: Là nơi vua Bảo Đại dùng làm Tổng hành dinh và làm việc cho các quan chức trong “lãnh thổ” của mình.
 
Theo đường Trần Hưng Đạo đến ngã 3 Trại Hầm rồi rẽ phải đi tiếp đường Trần Quang Diệu, du khách sẽ đến được Dinh I. Nằm trên một ngọn đồi thơ mộng có độ cao 1.550m với những rừng thông bao quanh, dinh I là một công trình kiến trúc độc đáo mang dáng vẻ cổ kính, uy nghi và tao nhã khiến ai đã một lần đến đây đều phải trầm trồ cảm thán.
Nguyên đây là nhà của một viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery. Do thấy nơi đây khá đẹp lại yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8/1949 và sửa sang toàn bộ dinh cơ.
Khi xây dựng Dinh người ta phát hiện ra một đường hầm bí mật nhưng vua Bảo Đại đã chỉ thị dấu kín. Đường hầm này nằm ngay sau lưng Dinh I thông ra tận Dinh II, dài gần 4km với các nhánh rẽ vào các biệt thự 11, 16, 18, 26…cũng như các biệt thự xung quanh.
 

 

8.11. Dinh 2:
Dinh II tọa lạc trên một đồi thông cao 1.540m ở đường Trần Hưng Đạo, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2km về hướng đông nam.
Đặc điểm: Dinh II hay còn gọi là dinh Toàn quyền, là nơi ở và làm việc của Toàn quyền Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10.
 
Dinh II được xây dựng từ năm 1933 là một tòa lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng. Đứng ở nơi đây, du khách có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương cách xa chừng 1km thấp thoáng qua những tán lá thông.
Từ ngày chuyển Phủ Toàn quyền về đây làm việc, Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5m và bề cao hơn 1m cùng nhiều ngóc ngách được đổ bê tông chắc chắn.
Dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh II trở thành nơi nghỉ mát của gia đình Ngô Đình Nhu. Năm 1964, khi tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền trong bối cảnh chính trị đầy bất trắc, ông đã chọn Dinh II làm Tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát và cho tu bổ, xây dựng thêm các đường hầm bí mật lên tận sườn đồi theo hướng đông nam và tây bắc phòng khi có đảo chính.

 

8.12. Dinh 3:
Dinh III tọa lạc trên một đồi thông ở đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây Nam.
Đặc điểm: Dinh III là tên gọi để chỉ biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
 
Được xây dựng từ năm 1933 gồm 25 phòng, Dinh III là một tòa dinh thự vô cùng trang nhã, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của một đồi thông ở độ cao 1.539m. Sau này khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ năm 1948 rồi thành lập “Hoàng triều Cương Thổ” vào năm 1950, nơi đây còn được gọi là Biệt điện Quốc trưởng. Do một may mắn của lịch sử, Biệt điện Quốc trưởng còn được bảo tồn gần như nguyên trạng khiến cho du khách đến đây có thể cảm nhận một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc bao gồm: căn phòng làm việc của vua Bảo Đại với những ấn tín quân sự, ngọc tỷ của Hoàng đế, quốc thư, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bán thân của vua Bảo Đại và vua cha Khải Định, phòng của hoàng hậu Nam Phương, hoàng tử Bửu Long, công chúa Phương Mai, hình ảnh gia đình và những vật dụng thường ngày…
 8.13. Nhà thờ Đà Lạt:
Nhà thờ Đà Lạt nằm trên đường Trần Phú, thành phố Đà Lạt, gần khách sạn Novotel.
Đặc điểm: Nhà thờ Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt.
 
Đây là nhà thờ lớn nhất ở thành phố Đà Lạt, được gọi là nhà thờ Chánh tòa, hay ngoài ra còn cái tên dân gian là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.
Vào dịp Giáng sinh hằng năm, đây là nơi tập trung rất nhiều người cả trong và ngoài đạo đến dự lễ, tham quan. Ngoài ra, ở Đà Lạt còn rất nhiều nhà thờ nhỏ hơn trong đó Domaine de Marie (Lãnh địa Đức Bà) và nhà thờ Cam Ly mang những nét đặc trưng riêng.
 8.14. Vườn hoa Đà Lạt:
Vị trí: Vườn hoa Đà Lạt nằm ở số 2 Phù Đổng Thiên Vương, cạnh con đường từ hồ Xuân Hương đến trường Đại Học Đà Lạt.
Đặc điểm: Vườn hoa Đà Lạt là một bộ sưu tập khá đầy đủ các loại hoa quý của Việt Nam và thế giới.
Vườn hoa Đà Lạt có từ năm 1966, đến năm 1985 thì được khôi phục lại để trồng các loại hoa mới. Ở đây có trên 300 loài hoa, trong đó có tới hàng trăm loài hoa như hồng, cúc, lay ơn, hoa lan, cẩm tú cầu, mimôda…nở quanh năm.
 
8.15. Sân Golf Đà Lạt:
Câu lạc bộ golf Đà Lạt nằm tại trung tâm thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Sân Golf Đà Lạt là nơi giải trí của giới thượng lưu trong và ngoài nước.
 
Qua đèo Prenn, xuyên qua những rừng thông bạt ngàn, du khách sẽ đặt chân đến thành phố cao nguyên Đà Lạt. Từ phía bên kia hồ Xuân Hương, du khách có thể nhìn thấy những đồi cỏ xanh non tơ như một dải lụa mềm mại vắt ngang Phố núi soi bóng xuống dòng “Cẩm Lệ” phẳng lặng… Đó là Đồi Cù mà có người đã ví như trái tim, như nhịp thở của Đà Lạt.
Có một tương truyền rất thú vị rằng: Ngày xưa, khi vùng này còn hoang sơ lắm thì Đồi Cù đã trở thành nơi hò hẹn lý tưởng của những đôi lứa đến tuổi cập kê với 3 quả đồi được gắn 3 cái tên rất lãng mạn: đồi Gặp Gỡ, Hò Hẹn, Ái Ân và một dòng Cẩm Lệ liên kết 3 quả đồi lại với nhau. Ngã Năm Đại học bây giờ được gọi là Ngã Năm chờ đợi, đường Đinh Tiên Hoàng là đường Tình tự. Tên Đồi Cù không rõ có từ bao giờ, còn vì sao gọi “Đồi Cù” lại có hai cách lý giải: Có người cho rằng, những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống như tấm lưng trần của những con cừu khổng lồ nên đã ví von gọi là “Đồi Cù”. Cũng có người giải thích…vì nơi đây là một địa điểm chơi Golf hay còn gọi là đánh cù, nên tên gọi “Đồi Cù” từ đó mà có.
 
Ngay từ năm 1942, khi thiết kế đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt, kiến trúc sư Lagisquet đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực “Bất khả xâm phạm” nhằm tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho Đà Lạt. Về sau, một kiến trúc sư người Scotland đã thiết kế và biến địa danh này thành một Sân Cù 9 lỗ với một câu lạc bộ đầy đủ tiện nghi nổi tiếng vùng Đông Nam Á. Hiện nay Đồi Cù đã được nâng cấp thành sân Golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
8.16. Chợ Đà Lạt:
Chợ Đà Lạt nằm ngay khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Chợ Đà Lạt có dáng vẻ vừa bề thế vừa thanh nhã, mỹ thuật.
 
Được xây dựng từ năm 1958-1960, chợ Đà Lạt có kiến trúc hiện đại nhất thời bấy giờ. Điểm đặc biệt là chợ này nằm ngay chân đồi, thông với đỉnh đồi là khu Hòa Bình qua một chiếc cầu ở tầng 2 và với hồ Xuân Hương bằng con đường dẫn vào tầng trệt. Phía trước chợ là một bùng binh trồng hoa. Bên hông, cạnh bùng binh có bậc tam cấp dẫn lên đường Lê Đại Hành và một con dốc nối khu Hòa Bình với hồ Xuân Hương. Tất cả tạo cho chợ Đà Lạt có một vị trí bố cục ngoạn mục mà chỉ có được ở những thành phố cao nguyên nhiều đồi núi.
Ngoài những mặt hàng bình thường như tất cả những ngôi chợ khác, chợ Đà Lạt còn bán đủ các loại đặc sản, chủ yếu ở khu tầng trệt. Phía ngoài cùng là các sạp bán hoa, kế đó là các sạp trái cây, rồi đến khu vực các đặc sản Đà Lạt được chế biến như: a-ti-sô, xí muội, rượu vang, xi rô…
 8.17. Thác Camly:
Vị trí: Thác Cam Ly nằm trên dòng suối Cẩm Lệ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 2km về phía tây.
Đặc điểm: Ngọn thác hùng vĩ gắn với quang cảnh của các đồi thông bao quanh đã tạo nên một thắng cảnh khó quên trong lòng du khách khi tới Đà Lạt.
 
Du khách đi dạo ven hồ Xuân Hương cũng nghe tiếng suối chảy róc rách. Một dòng suối đổ vào hồ ở phía bắc, một dòng khác từ hồ chảy ra ở phía nam luồn dưới một cây cầu, ở gần bến xe. Chân cầu là đập ngăn dòng suối lại để điều hoà mực nước hồ. Cả hai dòng suối đều mang tên Cam Ly. Dòng chảy ra lượn về phía tây, khi cách hồ 2km phải vượt qua một đoạn suối bị chặn ngang bởi những tảng đá hoa cương lớn, tạo thành thác Cam Ly đẹp nổi tiếng của Đà Lạt với độ cao khoảng 30m. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về thác tạo thành sương trắng cả một vùng trông rất thơ mộng. Cũng chính vì vậy mà Cam Ly một thời đã từng đi vào thơ ca, nhạc hoạ…Hình ảnh của Cam Ly được giới thiệu trong tạp chí “Revue indochine” và kể cả một số báo chí của Pháp trước đây.
Theo truyền thuyết mà các già làng ở đây kể lại thì tên Cam Ly có nguồn gốc từ tiếng K’Ho. Khi dòng Cẩm Lệ chảy ngang qua một ngôi làng của một bộ tộc người Lạt, vị tù trưởng người K’ Ho của tộc Lạt đó có tên K’ Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối nước của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng đã cai quản buôn làng tươi đẹp. Và lâu ngày người ta đọc thành Cam Ly. Bên cạnh đó, có một giả thiết cho rằng Cam Ly xuất phát từ gốc Hán- Việt (cam là ngọt và ly là thấm vào). Có nghĩa rằng Cam Ly là biểu tượng của một dòng suối có nước ngọt từng làm đắm say lòng khách lãng du.Thác Cam Ly trước đây còn gắn với một khu rừng thông bên cạnh, được mang tên “rừng ái ân” (boie d’ramour) nhưng ngày nay khu rừng ấy không còn nữa. Dòng thác thiếu nước về mùa khô nhưng mùa mưa nước chảy cuồn cuộn, từng khối nước khổng lồ đổ xuống dữ dội.
 8.18. Thác Datanla:
Vị trí: Thác Đatanla nằm khoảng giữa đèo Prenn, cách thành phố Đà Lạt 5km.
Đặc điểm: Thác Đatanla tuy không hùng vĩ, ồn ào như nhiều dòng thác khác của Đà Lạt nhưng lại có một sức cuốn hút đặc biệt đối với những ai thích mạo hiểm phiêu lưu.
 
Đatanla hay Đatania do các từ K’Ho ghép lại: “Đà –Tàm – N’ha” có nghĩa là “nước dưới lá” – liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm, Lạt, Chil thế kỷ 15 – 17. Từ quốc lộ 20 rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới một thung lũng nhỏ, du khách sẽ gặp thác Đatanla với cảnh trí đầy hấp dẫn và đậm nét hoang sơ.
 
Thác đổ xuống từ ghềnh cao 20m, len lỏi qua nhiều tầng nấc trong các khe đá rồi lẫn khuất đâu đó trong rừng sâu tạo thành một dòng suối, lúc ẩn lúc hiện như mời gọi thách thức bước chân khách lãng du. Nơi đây có những tảng đá nhẵn bóng thật đẹp, tương truyền xưa kia các tiên nữ trên thượng giới thường ghé lại nô đùa tắm suối nên khu vực này còn được gọi là Suối Tiên. Đi xa xuống phía dưới, du khách sẽ gặp một hẻm vực sâu hun hút được gọi là vực Tử Thần. Đây là một nơi khá nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn nếu không được các đơn vị chuyên nghiệp với những trang thiết bị bảo đảm an toàn tổ chức thám hiểm. Du khách không nên liều lĩnh khám phá những bí ẩn của hẻm vực Tử Thần Đatanla.
 8.19. Hồ Tuyền Lâm:
Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng nam.
Đặc điểm: Hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360ha, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao, leo núi, chèo thuyền, câu cá.
Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại. Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ. Ai đến thăm Ðà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng được tạo bởi bàn tay con người này. Có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu.
 
Cùng với trò chơi hóa trang thành các chàng trai, cô gái miền sơn cước, du khách thường rất hứng thú với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bóng đá một gôn, bóng chuyền trên cát, nhà dù, câu cá, cưỡi voi, cưỡi ngựa. Hiện có 5 con voi đã thuần dưỡng đang sống tại khu du lịch Tuyền Lâm và khu dã ngoại Ðá Tiên. Nhiều loại thú hoang mất dấu nhiều năm nay đã quay về như khỉ, sư tử mặt đỏ cùng nhiều động vật khác sống thành đàn. Năm 2001, có gần 100 nghìn khách tham gia các tour du lịch trên hồ, khoảng 15% là du khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu. Họ thường chọn những chương trình thám hiểm rừng sâu để quan sát chim thú và ghi âm những âm thanh của núi rừng. Vào xuân, hồ Tuyền Lâm lấp lánh màu ngọc bích, tô đậm thêm nét thơ mộng, lãng mạn của Ðà Lạt vốn đã xinh tươi.
 
8.20. Thiền viện Trúc Lâm:
Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc bên hồ Tuyền Lâm trên núi Phượng Hoàng, thuộc phường 3 thành phố Ðà Lạt.
Đặc điểm: Ðây là ngôi chùa to nhất, bề thế nhất ở Ðà Lạt hiện nay.
 
Chùa do hòa thượng Thích Thanh Từ tạo dựng từ đầu thập niên 90, chính thức khởi công xây dựng ngày 08/04/1993 và khánh thành ngày 08/02/1994. Thiền viện có diện tích 24,5 ha; được chia thành 3 khu riêng biệt với sự tham gia thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh độc lập – nay là Dinh Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh).
Những lúc đông nhất, thiền viện có hàng ngàn tăng ni, phật tử đến theo học về thiền. Đây là một thiền viện nghiên cứu về Thiền tông lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với chủ trương khôi phục Thiền tông Việt Nam (có từ đời nhà Trần). Mỗi ngày, các tu sĩ ngồi thiền 3 thời trong ngày, mỗi thời 2 giờ đồng hồ và thời đầu tiên là từ lúc 3 giờ sáng.
 
Ngoài ý nghĩa là một ngôi chùa lớn, một viện thiền học, Trúc Lâm còn là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi đến với thành phố cao nguyên do được tổ chức tốt và có vị trí khá đẹp – nhìn ra hồ Tuyền Lâm, núi Voi. Ngoài ngôi chùa lớn này, Ðà Lạt còn có hàng chục chùa nhỏ khác như Linh Quang (đường Ngô Quyền), Trúc Lâm (đường Phạm Hồng Thái), Ngọc Tín (Sương Nguyệt Ánh)… mà khi kết hợp lại có thể cho du khách một tour du lịch tín ngưỡng – tìm hiểu kiến trúc độc đáo.
 

8.21. Thác Prenn:

Thác Prenn nằm ngay dưới chân đèo Prenn – nơi cửa ngõ ra vào Đà Lạt, sát quốc lộ 20, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km.
Đặc điểm: Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời kỳ xa xăm vào khoảng thế kỷ 15 – 17, khi vùng núi đồi nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là “vùng xâm lăng”, còn các dân tộc bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là “người Prenn”.
 
Từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường 20 lên Ðà Lạt phải qua đèo Prenn dài 10km. Đến chân đèo, đi khoảng 100m du khách sẽ được tận hưởng sự êm dịu và duyên dáng của một bức màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10m xuống một thung lũng nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và đồi thông. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý. Một chiếc cầu cong nho nhỏ được bắc ngang qua hồ nước.
 
Du khách hãy lên cầu đi sát tới bức màn nước để cảm nhận sự dịu dàng của thác Prenn. Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với dự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên…
 

8.22. Thác Đambri

Thác Đambri nằm cách trung tâm thị xã Bảo Lộc khoảng 18km.
Đặc điểm: Đây là ngọn thác lớn ở Lâm Đồng, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ.
 
Từ thị xã Bảo Lộc – Lâm Đồng qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên. Thác Đambri có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá với diện tích gần 300ha cùng đủ loài chim. Nhiều cây cổ thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi… gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt ở đây.
 
Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, khách du lịch có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống. Khách muốn xuống chân thác có thể đi bằng hai đường: thang máy hoặc đường bộ. Nhưng hầu hết du khách đều chọn đường bộ men theo sườn núi, đã được bêtông hoá nên đi lại thuận tiện để được thưởng ngoạn phong cảnh.Theo lối mòn ven suối đi về phía thượng lưu, muốn sang bờ bên kia khách sẽ được một lần thử độ khéo léo và lòng dũng cảm khi chênh vênh đi trên chiếc cầu dây theo kiểu của đồng bào dân tộc ở địa phương vẫn làm. Cầu được bện từ những thứ dây leo rất sẵn ở rừng như song, mây, giang, lồ ô… Vào buôn của người dân tộc Châu Mạ – một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, khách sẽ được thưởng thức những lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng có thể tự mang lều trại để tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Thật rất nhiều điều thú vị.