Chỉ huy  diễn tập do ông Nguyễn Nam Tiến – Phó Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất kiêm Giám đốc TT. Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất đảm nhiệm, cùng sự tham dự của các đơn vị phòng tham mưu, các trung tâm trực thuộc Cảng cũng như các đơn vị hoạt động tại Cảng như SAGS, VIAGS-TSN, SASCO, VAECO-HCM,...

Tình huống giả định được đặt ra là tàu bay A321 của hãng hàng không E, chuyến bay mang số hiệu DT 118, đường bay DMK-SGN, chở 180 hành khách và 2.5 tấn hành lý, hàng hóa cất cánh từ Cảng HKQT Don Mueang lúc 05h50 dự định hạ cánh ở Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lúc 07h30. Lúc 07h10, Trung tâm tiếp cận tại sân - Công ty Quản lý bay miền Nam nhận được thông báo từ tổ lái: Tàu bay bị trục trặc hệ thống càng và xin yêu cầu trợ giúp mặt đất. Sở Chỉ huy khẩn nguy cứu nạn tiếp nhận thông tin, báo cáo Chỉ huy trưởng Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy đề xuất và được Chỉ huy trưởng đồng ý kích hoạt Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy. Sở Chỉ huy khẩn nguy cứu nạn, Trực ban trưởng báo cáo, thông báo khẩn nguy đến các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định hiện hành.

Khi tàu bay hạ cánh xuống đường CHC 25L/07R, tàu bay chạy xả đà khoảng 1500m, phi công phanh gấp, tàu bay bị nổ lốp, sập càng bên trái, trượt trên đường CHC, xông ra ngoài phía lề Nam đường cất hạ cánh, gây cháy nổ. Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tiến hành công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chỉ huy trưởng hiện trường yêu cầu Sở Chỉ huy khẩn nguy cứu nạn thông báo các đơn vị hiệp đồng điều động tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ xử lý tình huống, đồng thời Chỉ huy trưởng TT. Hiệp đồng khẩn nguy báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo PCKB thành phố, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN HK Cục HKVN tình hình và công tác cứu nạn, cứu hộ đã triển khai.

Đội cứu hỏa khẩn ­nguy triển khai các xe cứu hỏa tổ chức chữa cháy, lực lượng an ninh hàng không đến hiện trường triển khai canh gác, bảo vệ và hỗ trợ cứu hộ, lực lượng y tế triển khai sơ cấp cứu, phân khu vực, phân loại nạn nhân và phối hợp với các bệnh viện hợp đồng để chuyển viện cấp cứu. Các lực lượng phục vụ mặt đất cũng phối hợp cứu hộ người bị nạn, thu gom, vận chuyển hành lý, hàng hóa về nơi quy định. Sau đó các đơn vị tiến hành phong tỏa bảo vệ hiện trường phục vụ điều tra tai nạn và làm vệ sinh, đưa vào khai thác trở lại bình thường.

Nhờ công tác chuẩn bị, tập luyện, diễn tập và hậu cần của các đơn vị tham gia diễn tập được thực hiện tốt, buổi diễn tập khẩn nguy cấp cơ sở cứu nạn tàu bay đã thành công tốt đẹp, hoàn thành mục đích, yêu cầu đặt ra của công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với tàu bay bị sự cố, tai nạn. Công tác vận hành cơ chế, chỉ huy tham mưu của các cơ quan, đơn vị được tiến hành bài bản và đồng bộ; lực lượng, phương tiện, trang thiết bị được huy động đầy đủ theo phương án khẩn nguy hoàn toàn và thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đúng chiến thuật.

Kết thúc cuộc diễn tập, Ban Giám đốc Cảng đã yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm, chủ động rà soát, điều chỉnh các phương án ứng phó của đơn vịcho phù hợp với thực tế để xử lý hiệu quả khi có tình huống khẩn nguy phát sinh,  tiếp tục huấn luyện nhân viên, người lao động, các đơn vị liên quan hiểu rõ, thuần thục công tác xử lý tình huống khẩn nguy để giảm thiểu tối đa các hậu quả phát sinh khi có tình huống xảy ra, nhanh chóng khôi phục lại hoạt động khai thác bình thường của Cảng sau khi xảy ra sự cố tai nạn tàu bay.