Sáng nay 22.1, UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Cảng hàng không Điện Biên là một trong những sân bay chính của lực lượng Phòng không - Không quân tại khu vực Tây Bắc, là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Vị trí chiến lược đặc biệt này là cầu nối giữ vị trí xung yếu, then chốt; là mắt lưới rất quan trọng đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc nói riêng và đất nước nói chung.

Phối cảnh dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Điện Biên có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng phía Tây Bắc. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 470/QĐ-TTg tháng 3.2021 phê duyệt Chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Dự án sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ; đặc biệt là quần thể di tích của chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đây cũng là dự án lớn đầu tiên được khởi công trong năm 2022 trên cả nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, với giá trị phần xây lắp khoảng 1.500 tỉ đồng từ nguồn vốn doanh nghiệp, giá trị phần giải phóng mặt bằng khoảng 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.

Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn hiện nay, từ đó tạo khí thế mới trong việc thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất,kinh doanh, phục hồi kinh tế theo tinh thần các nghị quyết của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư là ACV cùng tư vấn, nhà thầu huy động tối đa lực lượng đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành bấm nút khởi công dự án

Ông Lại Xuân Thành, Chủ tịch HĐTV ACV, cho biết do địa thế khu vực lòng chảo và điều kiện thời tiết vùng núi nhiều mây, nên sân bay Điện Biên chỉ đáp ứng khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR-72, Embraer-190 và tương đương.

Do đó, việc đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên để khai thác các loại tàu bay A320/A321 và tương đương với hệ thống trang thiết bị, phương thức tiếp cận hạ cánh mới có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng - an ninh trong xu thế mới, đảm bảo yêu cầu bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.

Về mặt hàng không dân dụng, sân bay Điện Biên có vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Việc đảm bảo khai thác hàng không dân dụng tại sân bay Điện Biên phá vỡ thế độc đạo, đảm bảo kết nối Điện Biên với các vùng kinh tế của đất nước. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo.

Cảng hàng không Điện Biên hiện tại có kết cấu hạ tầng chính gồm 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 m x 30 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Do đó, để khai thác được máy bay A320/A321 và tương đương, sân bay Điện Biên sẽ xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2.400 m x 45 m, sân quay 2 đầu, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương... Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên gồm đường cất hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Sân bay Điện Biên hiện tại

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp 1, với tổng mức đầu tư là hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết dự án giải phóng mặt bằng đã được tỉnh khởi động từ năm 2019, hoàn thành trong 8 tháng để bàn giao cho chủ đầu tư là ACV.

Công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý 3/2023 để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nguồn: Báo Thanh Niên